Thị trường có thể sẽ còn giằng co quanh mức hiện tại trong phiên hôm nay 26/7 với các nhịp tăng giảm đan xen. Đồng thời, khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp mặc dù đà giảm đã được thu hẹp về cuối phiên cho thấy các nhà đầu tư cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng quay trở lại thị trường.
>> Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/7
Xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn đang khá tiêu cực
Chịu ảnh hưởng bởi chỉ số Dow Jones giảm mạnh (-504,22 điểm tương ứng -1,25%), VN-Index mở cửa trong sắc đỏ và có thời điểm giảm gần 1% về 1.226,2 điểm, mặc dù có sự phục hồi trong phiên chiều nhờ lực mua dần cải thiện, tuy nhiên, VN-Index đóng cửa tại 1.233,19 điểm (giảm -5,28 điểm tương ứng -0,43%). HNX-Index kết phiên tại mốc 235,25 điểm (-0,92 điểm, tương ứng -0,39%). Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 192 cổ phiếu giảm giá, 118 cổ phiếu tăng giá, 59 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. Trong khi đó, HNX giao dịch với 102 cổ phiếu giảm giá, 60 cổ phiếu tham chiếu và 57 cổ phiếu tăng giá.
Đáng chú ý, thanh khoản trên cả 2 sàn sụt giảm rất mạnh so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh -36% tại HOSE và -46% tại HNX. Nhóm ngành tiêu cực nhất tác động tới thị trường hôm nay là Ngân hàng với hầu hết các mã giảm điểm ngoại trừ MBB và EIB tham chiếu. Bên cạnh đó, ngành Du lịch và Giải trí giảm mạnh với mã PDC (-4,6%), TCT (-1,49%), VTR (-1,32%) và đặc biệt là HVN giảm hết biên độ (-6,91%)…
Đi cùng với diễn biến thanh khoản thị trường suy giảm trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Ô tô và Phụ tùng tiếp tục có một phiên giao dịch trong sắc đỏ. Trái ngược với diễn biến giảm điểm của chỉ số chung, ghi nhận trong phiên 25/7, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã tăng điểm như ngành Viễn thông, Dầu Khí, Bất động sản và Bất động sản Khu công nghiệp cũng có một phiên giao dịch tích cực. Phiên 25/7 đáng chú ý cổ phiếu VIC (+1,71%) đóng góp lớn nhất cho chỉ số với thông tin tích cực về việc VinFast nghiên cứu xây dựng thành phố thông minh rộng hơn 400ha ở Ấn Độ.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn đang khá tiêu cực khi không giữ được đường xu hướng tăng trưởng ngắn trung hạn và hiện tích lũy trong biên độ hẹp với vùng hỗ trợ 1.200 điểm – 1.220 điểm (kết hợp của vùng giá MA200 phiên với vùng giá cao nhất năm 2018 và vùng giá trung bình trong 5 năm), kháng cự của chỉ số tại vùng 1.245 điểm – 1.255 điểm. Sau khi điều chỉnh mạnh về quanh 1.220 điểm, VN-Index đang có xu hướng phục hồi kiểm tra lại vùng giá 1.245 điểm tương ứng giá thấp nhất tháng 6,7/2024 cũng như vùng giá 1.245 điểm – 1.255 điểm, giá cao nhất năm 2023 và kiểm tra lại đường hỗ trợ xu hướng trung hạn nối các vùng giá thấp nhất tháng 11/2023 và tháng 4/2024 đến nay. Áp lực bán ngắn hạn đang gia tăng trở lại nhưng không quá đột biến do khá nhiều mã sau giai đoạn giảm mạnh vào vùng quá bán đang phục hồi trở lại.
Xu hướng trung hạn, VN-Index tích lũy kém tích cực khi không giữ được đường xu hướng giá kéo dài từ tháng 11/2023 đến nay, cũng như vùng giá cân bằng 1.245 điểm -1.255 điểm của kênh giá 1.180 điểm – 1.200 điểm đến 1.300 điểm – 1.320 điểm. Qua đó, VN-Index chuyển sang tích lũy trong vùng 1.180 điểm – 1.200 điểm đến 1.245 điểm – 1.255 điểm, với 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.245 điểm – 1.255 điểm là vùng giá cao nhất năm 2023. Điểm cân bằng là vùng giá quanh 1.220 điểm tương ứng vùng giá thấp nhất tháng 3/2024.
“Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, dưới mức trung bình. Nhà đầu tư trung – dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới cần đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quí II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành. Đối với chỉ số VN-Index, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ thoát khỏi xu hướng tích lũy ngắn trung hạn kéo dài hiện nay, trước khi có các quyết định mới. Nhà đầu tư có thể mở rộng danh mục theo dõi giải ngân đối với các trường hợp tỉ trọng dưới mức trung bình, xem xét tích lũy khi thị trường điều chỉnh”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Thị trường có thể sẽ còn giằng co quanh mức hiện tại
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), diễn biến rung lắc liên tiếp xảy ra trong cả phiên 25/7 bất chấp việc áp lực cung không còn quá lớn. Nhóm Ngân hàng giữ nhịp giai đoạn trước cũng đang dần suy yếu khi đa số các cổ phiếu đều quay trở lại nền tích lũy cho thấy động lượng ngắn hạn của thị trường sẽ tiếp tục duy trì ở mức suy yếu.
“Thị trường hiện tại dù không còn diễn biến bán quá tiêu cực nhưng tâm lý ở chiều mua lên vẫn còn quá dè chừng. Do đó, nhà đầu tư nên tạm dừng mua mới và tạm thời nắm giữ các cổ phiếu với tỷ trọng trung bình và chú ý vùng quản trị rủi ro là ngưỡng 1.220 điểm”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ còn giằng co quanh mức hiện tại trong phiên hôm nay 26/7 với các nhịp tăng giảm đan xen. Đồng thời, khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp mặc dù đà giảm đã được thu hẹp về cuối phiên cho thấy các nhà đầu tư cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng quay trở lại thị trường. Tuy vậy, thanh khoản thấp thường xảy ra tại các vùng đáy của thị trường, nhưng thị trường mới giảm áp lực bán trong một phiên cũng chưa hoàn toàn thuyết phục cho tín hiệu đảo chiều.
“Dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu trở lại, đặc biệt tập trung ở nhóm cổ phiếu Smallcaps và bất động sản, nhưng tín hiệu đảo chiều vẫn chưa diễn ra ở hai nhóm này. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp khoảng 30% danh mục và chưa nên mua mới trong giai đoạn này”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Nguồn: Vov.vn