Chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng là một hiện tượng khá bất thường bởi vàng nhẫn không có tính thanh khoản cao như vàng miếng.
Giá vàng nhẫn leo thang theo giá thế giới
Trong mấy phiên giao dịch gần đây, giá vàng nhẫn trong nước liên tục tăng theo giá vàng thế giới, trong khi giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mức ổn định.
Cụ thể, chiều 16/7, tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC vẫn đứng yên, giao dịch ở mức 75,48 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng theo giá thế giới. Hiện, giá vàng nhẫn tròn trơn nhiều thương hiệu đã vượt giá vàng miếng SJC.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 99,99 loại 0,5 chỉ ở mức 75,45 – 76,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Còn tại Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) được giao dịch ở mức 76,25 – 77,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường thế giới, cuối giờ chiều 16/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tiếp tục tăng, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ở mức 2.434,9 USD/oz, tăng 9,8 USD/oz so với đầu giờ sáng cùng ngày.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank thời điểm ngày 16/7: 1 USD = 25.457 VND, giá vàng thế giới tương đương 74,68 triệu đồng/lượng, thấp hơn 2,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm.
Về cơ bản, thị trường kim loại quý trong nước ở thời điểm hiện tại không có nhiều biến động. Song chuyên gia cảnh báo, đây là thời điểm cần theo dõi sát diễn biến của thị trường bởi giá vàng thế giới trồi sụt liên tục. Đồng thời, chuyện giá vàng nhẫn ngang bằng hoặc cao hơn vàng miếng SJC là chuyện “xưa nay hiếm”.
Nguy cơ xuất hiện “sóng ngầm”
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng là một hiện tượng khá bất thường bởi vàng nhẫn không có tính thanh khoản cao như vàng miếng.
“Vàng miếng là loại vàng mà người dân đầu tư tiết kiệm để dành và có tính thanh khoản như tiền, bởi bất cứ khi nào cần tiền mặt người dân có thể bán vàng hoán đổi ra tiền rất nhanh chóng, còn vàng nhẫn không có tính thanh khoản như vậy. Do đó giá vàng nhẫn thường chênh lệch nhiều so với giá vàng miếng”, TS. Hiếu nói.
Tuy nhiên, tại thời điểm này vàng miếng rất khó mua, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua đấu thầu vàng và đã bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, bắt đầu là bán trực tiếp và đến bây giờ là bán online.
“Số lượng vàng bán ra rất hạn chế nên người dân không mua được vàng miếng nên họ đã chuyển sang mua vàng nhẫn. Điều này chứng tỏ về vì mô thì nhu cầu về mua vàng của người dân rất lớn, kể cả khi giá vàng vẫn đang trong xu hướng tăng, kể cả trong nước và quốc tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu, việc kiểm soát chặt chẽ đang đặt thị trường vàng ra ngoài nguyên tắc cung cầu của thị trường cạnh tranh. Mặc dù, sự ổn định đang được thiết lập nhưng sẽ kéo dài bao lâu và liệu có được duy trì bền vững hay không cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Nhu cầu vàng miếng đang bị khống chế ngặt nghèo bởi nguồn cung nhỏ giọt, kéo theo đó là sự tái lập của thị trường chợ đen. Điều này hình thành những cơn sóng ngầm có nguy cơ gây bất ổn thị trường, nhất là khi giá vàng nhẫn lại đang có xu hướng vượt tăng hơn so với giá vàng miếng, TS. Hiếu bày tỏ quan điểm.
Sau chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động triển khai hiệu quả các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường vàng, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế, thời gian qua, thị trường vàng miếng luôn duy trì diễn biến đi ngang, tuy nhiên đây cũng là giai đoạn tiềm ẩn nguy cơ khó lường.
Nguồn: Vov.vn