Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%. Điều này tạo sự phấn khởi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Khi điều chỉnh tăng lương, không ít người dân tỏ ra lo ngại về tình trạng giá cả hàng hóa sẽ tăng.
Cũng như nhiều người, chị Nguyễn Thị Thủy, ở đường Lê Đình Lý, quận Hải Châu lo ngại khi lương cơ sở tăng, giá hàng hóa sẽ tăng theo. Thực tế, trước đây, mỗi ngày đi chợ, chị Thủy chi tiêu khoảng 200.000 đồng nay tăng lên 300.000 đồng.
Chị Thủy cho biết: “Kinh tế hiện nay khó khăn, đi chợ hàng ngày phải tiết kiệm lại. Trước đây đi chợ 200.000 đồng nay tăng lên 300.000 mới đủ, ăn trong 2 ngày, gia đình có 3 người. Đi ăn sáng, 1 tô bún trước đây 20.000 đồng nay tăng lên 25.000 đồng, có món thì tăng lên 30.000 đồng. Kinh tế khó khăn nên phải nay tiết kiệm”.
Tại các siêu thị, chợ truyền thống ở thành phố Đà Nẵng, hiện giá cả hàng hoá thiết yếu, tiêu dùng đang ở mức ổn định sau khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng.
Bà Trang Thị Nguyệt, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Cồn cho biết: “Tình hình buôn bán hiện tại rất khó khăn, thịt heo mua tại lò mổ giá cao bán lỗ không có lời. Heo lấy tại lò mổ tăng lên 30.000 đến 40.000 đống/kg. Do heo mình mua vào cao nên phải bán cao, nhưng bán cao không có người mua, bây giờ họ làm ăn khó khăn. Sáng lên chợ bán tí rồi về. Hồi trước một ngày tôi bán 2 con heo nay bán được 1 con heo”.
Thời điểm hiện tại, một số chợ truyền thống và siêu thị ở thành phố Đà Nẵng, giá một số mặt hàng thiết yếu như rau, thịt, tôm cá tăng nhẹ. Cụ thể, thịt ba chỉ 90.000/kg đồng tăng lên 100.000 đồng, sườn non tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, các loại rau cải, rau muống tăng 2.000đồng/bó. Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho hay, siêu thị triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cho khách hàng, nhiều mặt hàng giảm đến 50% để phục vụ người tiêu dùng.
“Chống lạm phát và bình ổn giá khi chính sách tăng lương 30% cho cán bộ công chức, viên chức từ 1/7/2024, hệ thống siêu thị Co.opmart liên tục thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá đậm lên đến 50% áp dụng tại 5 ngành hàng. Các mặt hàng giảm giá gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng và may mặc. Nhiều mặt hàng đa dạng phục vụ đẩy đủ nhu cầu thiết yếu hàng ngày” – ông Thống cho biết.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, nguồn cung ứng hàng hóa phong phú đa dạng, giá cả các mặt hàng thiết yếu sau thời điểm tăng lương chưa có nhiều biến động. Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Chương trình bình ổn, kích cầu mua sắm, góp phần ổn định sản xuất, bình ổn thị trường.
Bà Lê Thị Kim Phương cho biết: “Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình của thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, trong thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao để kịp thời đôn đốc đề xuất các giải pháp để các đơn vị sản xuất cung ứng phân phối hàng hóa, chủ động có kế hoạch dự trữ hàng hóa, tìm kiếm thêm nguồn hàng đảm bảo cung ứng hàng hóa ra thị trường, tránh trường hợp đứt gãy cung ứng hàng hóa.
Phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các Cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm, xử lý kịp thời các hành vi, các trường hợp lợi dụng mức lương cơ sở tăng để đầu cơ ép giá găm hàng gây bất ổn thị trường”.
Ngăn chặn tình trạng đầu cơ găm hàng, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Mục tiêu là đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa, tránh tình trạng giá cả tăng khi lương chưa kịp điều chỉnh.
Nguồn: Vov.vn