Yếu tố vĩ mô tạo “bệ đỡ” cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024

Các chuyên gia cho rằng, dù chưa thực sự bứt phá, song thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2024 với những diễn biến khá tích cực. Trong những tháng còn lại của năm nay, các yếu tố vĩ mô sẽ tiếp tục ủng hộ cho xu hướng tăng trong dài hạn của thị trường.

Nền kinh tế nhiều điểm sáng tạo đà cho TTCK tăng trưởng tích cực

Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng, Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, gần đây, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sang thăm và đánh giá cao về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam thời điểm hiện nay và thời gian tới. So với thời điểm trước dịch COVID-19, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam 4 năm qua tăng khoảng 15%. Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia là 3 nước phục hồi rất tích cực sau dịch.

6 tháng đầu năm 2024, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,42%. Mục tiêu cả năm, Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tăng trưởng cận trên khoảng 7%, cận dưới là 6,5%. Kể cả dự báo thận trọng, năm nay, Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 6,5%, thuộc top 5 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

yeu to vi mo tao be do cho thi truong chung khoan nua cuoi nam 2024 hinh anh 1
Nền kinh tế nhiều điểm sáng tạo đà cho TTCK tăng trưởng tích cực (Ảnh minh họa: KT)

Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, khả năng cao sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 – 7%, đến năm 2030 phấn đấu nước có thu nhập trung bình ít nhất từ 8.000 – 12.000 USD /người/năm trở lên.

“Chúng tôi đánh giá cơ bản có thể đạt được nếu 5 năm tới có thể duy trì tăng trưởng GDP 6,5%/năm”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo khảo sát của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các mục tiêu đặt ra là có tính khả thi, đồng thời dự báo từ nay tới 2030, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ít nhất 6,42%. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia kiểm soát lạm phát khá tốt trong 3 năm qua, từ 3 – 3,5%, năm nay dự báo khoảng 4%, năm 2025 dự báo 3,5 – 4% và duy trì 3 – 4% tới 2030.

Nhìn lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang còn rất non trẻ (24 năm), trong khi trên thế giới đã phát triển 80 – 100 năm. Theo đó, tiềm năng phát triển trong tương lai là rất lớn đến từ quy mô vốn hóa còn nhỏ, thị trường cổ phiếu chỉ mới khoảng 60% GDP năm 2023, tính cả trái phiếu là 90%. Theo chiến lược phát triển TTCK mà Thủ tướng ban hành năm 2023, mong muốn vốn hoá thị trường cổ phiếu 2025 là tương đương 100% GDP, năm 2030 là 120% GDP.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt gần 8 triệu tài khoản, tương ứng khoảng 8% dân số. Trong khi các nước trên thế giới như Mỹ, Đài Loan tỷ lệ tham gia là 50 – 55%, còn Trung Quốc là 25 – 30%; bên cạnh đó, nhà đầu tư tổ chức tham gia còn rất ít. Do đó, dư địa để phát triển thị trường chứng khoán là rất lớn.

“Bức tranh vĩ mô và hiện trạng thị trường chứng khoán là điều kiện thuận lợi tạo ra cơ hội đầu tư khả quan cho các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, “bệ đỡ” quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Nhìn ra kinh tế khu vực và toàn cầu với những biến động và khó khăn trong những năm vừa qua, Việt Nam vẫn giữ ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, không có cơ sở nào khiến thị trường chứng khoán của Việt Nam lại có rủi ro cao.

“Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhiều nhà đầu tư tổ chức là những yếu tố làm cho TTCK được nâng cao, chất lượng bền vững hơn. TTCK phải được nâng lên một bước sau gần 24 năm ra đời và phát triển, song để thị trường phát triển hơn thì cần phải được nâng hạng. Không ai một mình có thể kéo TTCK của chúng ta đi lên, mà tất cả phải cùng nhau tiến bước, để đưa thị trường đi lên một chặng đường phát triển mới về chất. Tôi khẳng định cơ quan quản lý nhà nước sẽ đi đầu trong hành trình này”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

TTCK sẽ tăng trưởng theo đà hồi phục của nền kinh tế

Ông Nguyễn Minh Hoàng – Trường phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng, TTCK sẽ tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế. Động lực chính tác động tích cực lên thị trường đến từ môi trường lãi suất thấp được duy trì và sẽ thẩm thấu rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

yeu to vi mo tao be do cho thi truong chung khoan nua cuoi nam 2024 hinh anh 2
TTCK sẽ tăng trưởng theo đà hồi phục của nền kinh tế (Ảnh minh họa: KT)

Theo chuyên gia của VFS, TTCK Việt Nam đang tiếp tục chứng kiến thanh khoản tăng mạnh. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, tổ chức vẫn tích cực, thể hiện sự kỳ vọng rất lớn vào tương lai của thị trường, cũng như của nền kinh tế.

“Hồi phục kinh tế vẫn là xu hướng lớn và không thể đảo ngược trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng vào những thông tin tích cực đến từ vĩ mô như việc hạ lãi suất của FED, hay sự hồi phục từ nền kinh tế với xuất nhập khẩu tăng mạnh, nhu cầu tiêu dùng quay trở lại sẽ kích thích sự phát triển kinh tế. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn”, chuyên gia VFS nhận định.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, TTCK muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Hiện nay thị trường chứng khoán quy mô vốn hóa lớn, số lượng tài khoản chứng khoán trên 8 triệu tài khoản. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu và tài khoản thì số lượng của nhà đầu tư tổ chức khiêm tốn.

“Cơ quan quản lý nhà nước Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhận ra từ lâu, cũng đã báo cáo Thủ tướng đưa vào nhiệm vụ phát triển thị trường trong thời gian tới. Để phát triển tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức trên TTCK Việt Nam thì có nhiều thứ phải làm. Đơn cử nhận thức và tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam ai cũng thích tự quản tài sản, ai cũng thích tự mình đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, điều đó không thể thay đổi một sớm một chiều, vì thế “cần đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, truyền thông hơn nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói và cũng nhấn mạnh thêm, cơ quan quản lý nhà nước cần thực thi nhiều giải pháp tạo điều kiện để mở ra hoạt động của các quỹ đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước sớm đưa ra quy định rõ ràng để đảm bảo các quỹ hoạt động hiệu quả và nghiêm túc.

Nguồn: Vov.vn