Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp khi nhà đầu tư đang chờ các thông tin về kết quả kinh doanh quí II của doanh nghiệp. Thị trường diễn biến tích lũy tích cực. Nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện, VN-Index kỳ vọng sẽ hướng đến vùng kháng cự quanh 1.300 điểm khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát.
Xu hướng Sideway này sẽ kéo dài trong một vài phiên tới
Thị trường chứng khoán một lần nữa lỗi hẹn với cột mốc 1.300 điểm trong tuần qua khi lực cầu dần suy yếu trong 3 phiên giao dịch cuối tuần. Quán tính tăng điểm từ tuần thăng hoa trước đó giúp chỉ số nối dài đà tăng trong 2 phiên giao dịch đầu tuần trước khi điều chỉnh trong 3 phiên liên tiếp. Lực cầu cho thấy sự hụt hơi thấy rõ thay vì sự nổi lên mạnh mẽ của nguồn cung khi phiên giảm mạnh nhất thị trường cũng chỉ giảm gần 8 điểm. Trạng thái giao dịch giằng co bắt đầu trở lại, đặc biệt trong 2 phiên giao dịch cuối tuần. Nhóm vốn hóa lớn suy yếu rõ rệt nhất, chỉ số VN30 giảm đến 14.37 điểm trong tuần qua gây áp lực lớn lên thị trường. Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có sự luân phiên tăng điểm song cũng không có ngành nào quá nổi bật dẫn dắt thị trường. Đóng cửa tuần giao dịch 8/7-12/7, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.280.75 điểm, giảm nhẹ – 2,29 điểm (-0,18%).
>> Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/7
Thanh khoản tuần qua có sự cải thiện rõ rệt song vẫn chưa thể quay lại mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HSX đạt 686 triệu cổ phiếu (-31,76%), tương đương 19.434 tỷ đồng (-33,91%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường chứng kiến sắc đỏ có phần nổi trội với 14/21 nhóm ngành giảm điểm. Gây áp lực lớn lên thị trường chung trong tuần qua phải kể đến các nhóm ngành như: Hàng tiêu dùng (-8,68%), Hàng không (-2,88%), Ngân hàng (-1,16%),… Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành midcap vẫn thu hút dòng tiền khá tốt tiêu biểu như: Phân bón (+5,69%), Điện (+4,19%), BĐS KCN (+3,88%),…
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), phiên cuối tuần trước là phiên điều chỉnh thứ 3 liên tiếp của VN-Index sau 7 phiên tăng điểm trước đó. Điểm chung của 3 phiên giảm điểm là áp lực bán không quá lớn và thanh khoản suy giảm cho thấy tín hiệu tiêu cực chưa được xác nhận. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, VN-Index đóng tuần giảm điểm nhẹ với thanh khoản tăng khá mạnh so tuần trước đó (+33%) nhưng vẫn sụt giảm so với mức trung bình 20 tuần (-15.7%). Thanh khoản tăng nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần cộng với biên độ điều chỉnh rất nhỏ (-0,18%) cho thấy xu hướng giao dịch của tuần qua chủ yếu là đi ngang, tích lũy trong biên độ khá hẹp.
“Khả năng cao xu hướng Sideway này sẽ kéo dài trong một vài phiên tới để tích lũy thêm động lượng, chuẩn bị cho sự bùng nổ thêm thanh khoản để xác nhận xu hướng rõ ràng hơn. Chúng tôi thiên về tín hiệu tích cực hơn nên vẫn giữ quan điểm mua, trong đó lựa chọn những mã cổ phiếu đã xây nền tích lũy trong 2 tuần trước đó. Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự được kỳ vọng trong các tuần tới 1.257 – 1.310 điểm”, chuyên gia của CSI nêu quan điểm.
VN-Index vẫn tích lũy trong vùng 1.250 điểm – 1.300 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn, VN-Index vẫn tích lũy trong vùng 1.250 điểm – 1.300 điểm. Sau khi gặp vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm. VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh phiên thứ 3 liên tiếp, kiểm tra lại vùng giá cân bằng của kênh tích lũy này quanh 1.275 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên gần nhất. Áp lực điều chỉnh này đang khá bình thường khi giá giảm, thanh khoản suy giảm nhất là khi VN-Index đã có 7 phiên tăng điểm liên tục. Trường hợp tích cực nếu VN-Index phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.270-1.275 điểm thì khả năng quay trở lại kiểm tra vùng khá 1.300 điểm vẫn có thể xảy ra.
Xu hướng trung hạn, VN-Index vẫn tích lũy với biên độ hẹp dần trong vùng 1.245- 1.255 điểm đến 1.300 điểm, nửa trên của kênh 1.180 điểm – 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. VN-Index cũng đang phục hồi tốt khi kiểm tra lại cạnh dưới đường xu hướng trung hạn nối các vùng giá thấp từ tháng 11/2023 đến nay, và đang nỗ lực phục hồi kiểm tra lại vùng 1.300 điểm, tương ứng cạnh trên đường xu hướng nối vùng giá cao nhất tháng 9/2023, 3/2024 và 6/2024. Trong đó, 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 điểm – 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022.
“Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp khi nhà đầu tư đang chờ các thông tin về kết quả kinh doanh quí II của doanh nghiệp. Thị trường diễn biến tích lũy tích cực, nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện thì VN-Index kỳ vọng sẽ hướng đến vùng kháng cự quanh 1.300 điểm khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá, khối ngoại bán ròng hạ nhiệt. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý. Nhà đầu tư trung – dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quí II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành”, chuyên gia của SHS nhận định.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) cho rằng, thị trường lao dốc với áp lực cung không quá lớn nhưng lực cầu cũng tỏ ra dè chừng hơn trong bối cảnh thanh khoản thấp và cận kề kì công bố BCTC Quý 2. Dòng tiền giải ngân vào những cổ phiếu riêng lẻ, thiếu tính sóng ngành dẫn đến độ rộng thị trường trong phiên yếu.
“Chúng tôi đánh giá bên mua giao dịch phòng thủ trở lại sau vài phiên vượt cản 1.290 điểm không thành công. Do đó, chỉ số vẫn còn tiếp diễn biến điều chỉnh và kỳ vọng VN-Index tìm được điểm cân bằng tại vùng 1.260-1.270 điểm (MA20), nhà đầu tư cân nhắc chú ý giải ngân”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Nguồn: Vov.vn